Dừa Dứa

Tin tức

Dừa Dứa


Nói đến Bến Tre, mọi người đều liên tưởng đến cây dừa, loại cây trồng từ lâu đã gắn bó, thủy chung với người dân xứ sở ba dãy cù lao. Tuy nhiên, cũng có lúc, người dân quay lưng với cây dừa để trồng những loại cây ăn trái khác do nhu cầu mưu sinh, nhưng thời gian gần đây, cây dừa dần dần được phục hồi trở lại nhờ giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định. Diện tích dừa tiếp tục tăng, đến nay, toàn tỉnh có gần 45 ngàn ha. Trong đó, do nhu cầu phát triển của xã hội, số diện tích dừa uống nước cũng đang phát triển mạnh. Riêng diện tích trồng dừa Dứa chưa thống kê được. Nhìn chung, bà con nông dân các huyện, thị trong tỉnh đều có trồng dừa Dứa, nhưng quy mô nhỏ lẻ, rải rác, chưa chuyên canh, mỗi nhà trồng xen 5 đến 10 cây, ước tính toàn tỉnh chỉ khoảng vài ngàn cây. Tại Cồn Ốc, xã Hưng phong, huyện Giồng Trôm và xã Nhơn Thạnh, Thị xã Bến Tre có vài hộ trồng với số lượng tương đối khá, dừa phát triển tốt, cho trái nhiều, nước thơm, ngọt.

 

Dừa Dứa hay còn gọi là dừa thơm là loại dừa đặc biệt có mùi thơm lá dứa. Đây là loại dừa đặc sản của Thái Lan được du nhập vào nước ta và thích nghi với khí hậu, thỗ nhưỡng ở Bến Tre. Dừa Dứa được tuyển chọn giống tự nhiên đã lâu, có đặc tính riêng biệt so với các loại dừa khác như: dừa có hoa đực và hoa cái nở cùng một thời điểm, giúp cho sự tự thụ phấn xảy ra, đặc điểm này hạn chế sự biến hóa, giúp cho trái dừa còn giữ nguyên độ thơm ngọt của cây mẹ. Ngoài ra, dừa Dứa có sự phát triển tương đồng so với các giống dừa địa phương khác như các giống dừa xiêm. Chính những yếu tố này đã thu hút sự quan tâm của nông dân. Chúng tôi có dịp tham quan vườn dừa của anh Hồ Văn Lập, ấp 1 xã Tam Phước, huyện Châu Thành, với 2.700m2 đất, anh trồng 71 gốc dừa Dứa. Nhờ chăm sóc tốt nên vườn dừa Dứa của anh phát triển rất nhanh, cây to, tàu lá dài, xanh mượt. Mặc dù thời gian trồng chưa được 3 năm, nhưng cây đã cho trái và cho thu hoạch từ 6 đến 7 lứa trái. Anh lập cho biết, giống dừa này khi cho trái ổn định sẽ đạt từ 100 đến 120 trái/cây/năm. Hiện nay, giá dừa được các thương lái thu mua 10 ngàn đồng/trái

 

Với những đặc điểm vượt trội của dừa Dứa và đặc biệt trong giai đoạn đất nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng đang ngày càng phát triển, người dân không chỉ ăn no, mặc ấm mà còn hướng đến ăn ngon, mặc đẹp. Bên cạnh đó, tiềm năng du lịch đang trên đà phát triển mạnh, vì lẻ đó, hiện nay và trong tương lai, dừa Dứa sẽ đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân. Chính vì thế, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ thuộc sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre đã đầu tư thực hiện dự án du nhập, trồng và phát triển 500 ha dừa dứa trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Dự án được triển khai vào tháng 11 năm 2006 với mục tiêu du nhập, trồng và phát triển giống dừa dứa đặc sản của Thái lan, góp phần chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, nâng cao hiệu quả cho người trồng dừa và cùng tham gia thực hiện dự án trồng và phát triển 5.000 ha dừa trong giai đoạn 2005-2010 của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong giai đoạn đầu, dự án đầu tư xây dựng mô hình điểm trình diễn 50 ha ở 3 huyện Châu Thành, Giồng Trôm và Mỏ cày. Sau đó là giai đoạn nhân rộng.


Đến nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn xây dựng mô hình 50 ha. Ban chủ nhiệm dự án phối hợp với Hội nông dân các huyện trong vùng dự án đã chuyển giao 10 ngàn cây dừa giống cho 136 hộ dân của 11 xã thuộc các huyện Châu Thành, Mỏ Cày và Giồng trôm. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, cách chọn dừa giống, ươm dừa, thiết kế vườn trồng, kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và các sản phẩm thực phẩm được chế biến từ dừa Dứa. Qua các đợt kiểm tra của ban chủ nhiệm dự án cùng các cán bộ khoa học kỹ thuật cho thấy, dừa Dứa phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 98%. Điều này cho thấy, dừa Dứa thích nghi với điều kiện khí hậu, thỗ nhưỡng và các vùng nước ngọt, lợ ở Bến Tre. Sự phát triển của dừa Dứa không thua kém những loại dừa uống nước truyền thống của Bến Tre. Kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh được nông dân tiếp thu nhanh chóng và có hiệu quả.


Theo đoàn kiển tra của Ban chủ nhiệm dự án, chúng tôi đến vườn của ông Trần Văn Lộc, ở xã Thạnh ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc, chưa đầy 2 năm trồng, 280 gốc dừa Dứa ông nhận từ dự án đã phát triển rất tốt, một phần do dừa thích nghi với vùng đất này, phần do ông áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc tốt. Trước đó, ông đã trồng 80 gốc dừa Dứa mua từ Trung tâm Giống cây trồng Bến Tre. Hiện tại, dừa được 2,5 năm và đã bắt đầu cho lứa trái đầu tiên. Đối với dừa của dự án, ông khẳng định với chúng tôi, chưa đầy 3 năm, số dừa Dứa này sẽ bắt đầu cho trái.

 

Chúng tôi đến vườn của anh Nguyễn Hải Bằng, ở ấp Giồng Giữa, xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, anh nhận từ dự án 40 gốc dừa Dứa, mặc dù đây là vùng đất cát pha, bị nhiễm phèn, mặn, nhưng chỉ sau 18 tháng trồng, dừa phát triển đều, cây xanh tốt. Anh cho biết, so với các giống dừa khác đã được trồng nơi đây thì dừa Dứa phát triển bình thường, thậm chí phát triển tốt hơn nếu nông dân chăm sóc tốt và canh tác đúng quy trình kỹ thuật.


Phát huy những kết quả đã đạt được của dự án: "du nhập, trồng và phát triển 500 ha dừa dứa giai đoạn xây dựng mô hình 50 ha”, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiếp tục thực hiện giai đoạn nhân rộng của dự án với quy mô 200 ha. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 9 năm 2008 đến tháng 9 năm 2011, với tổng nguồn kinh phí trên 9 tỷ 600 triệu đồng. Dự án nhân rộng 200 ha dừa dứa được thực hiện nhằm góp phần từng bước hoàn thành dự án du nhập, trồng và phát triển 500 ha dừa Dứa trong dự án tổng thể trồng mới 5 ngàn ha dừa trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2005-2010. Qua đó, phát động nông dân 5 huyện, thị bao gồm: Giồng trôm, Chợ lách, Mỏ cày, Thạnh phú và Ba Tri trồng 200 ha dừa giai đoạn 2008-2011. Dự án sẽ tập trung cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc dừa cho 5 huyện, thị. Phấn đấu, khi kết thúc dự án, tỷ lệ sản phẩm đạt chất lượng thơm là 70%.


Ban chủ nhiệm dự án cũng đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện như phối hợp với các cơ quan chức năng, tuyên truyền sâu rộng trong nông dân về tính khả thi của dự án và hiệu quả kinh tế mang lại từ dừa Dứa, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống người trồng dừa. Tiếp tục tập huấn kỹ thuật trồng dừa Dứa, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân trong giai đoạn nhân rộng. Nội dung tập huấn bao gồm các chương trình như kỹ thuật trồng, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cách bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao giá thành sản phẩm. Ban chủ nhiệm dự án cam kết với nông dân về chất lượng dừa giống đạt tiêu chuẩn về chất lượng thơm của dừa Dứa, đồng thời tổ chức thông tin thị trường tiêu thụ và bao tiêu sản phẩm dừa Dứa của nông dân khi đã cho thu hoạch nhiều.


Có thể nói, hiệu quả kinh tế của dừa Dứa mang lại rất cao, theo tính toán của ban chủ nhiệm dự án, 1 ha trồng khoảng 200 cây, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, sau 3 năm trồng, cây dừa sẽ cho trái bình quân 50 trái/năm. Từ năm thứ 4 trở đi, dừa sẽ cho sản lượng ổn định từ 100 đến 150 trái/cây/năm. Với giá bình quân 5 ngàn đồng/trái thì năm đầu tiên thu hoạch, bà con nông dân thu được 50 triệu đồng/ha. Trong khi đó, chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu và các khoản chi phí khác cho 1 ha trong 3 năm là 46 triệu 500 ngàn đồng. Ngoài hiệu quả kinh tế, dự án còn mang lại hiệu quả xã hội, giúp người trồng dừa nâng cao trình độ sản xuất, tiếp cận và ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Dự án thành công sẽ mang lại thu nhập cao cho người trồng dừa Dứa, cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu, đồng thời góp phần quan trọng trong việc thực hiện dự án phát triển 5 ngàn ha dừa của tỉnh trong giai đoạn 2005-2010.


Tin liên quan

Sản phẩm

Online

Online Lượt truy cập

Thông tin hỗ trợ